Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 03/8, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, chỉ còn nửa tháng giải ngân gói hỗ trợ thuê trọ cho người lao động, nhưng 29 tỉnh, thành phố chưa thực hiện, nhiều nơi tỷ lệ rất thấp.
Đến nay, 51 tỉnh, thành đã phê duyệt hồ sơ của 17.300 doanh nghiệp, với 1,2 triệu lao động. 31 địa phương đã giải ngân 350 tỉ đồng, cho 620.000 lao động. tỉ lệ lao động được hỗ trợ thuê trọ đạt 5,4%, tăng hơn 4% so với đầu tháng 7. Các địa phương đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ lao động là TP. HCM (113 tỉ đồng); Đồng Nai (72 tỉ đồng); Bình Dương (74 tỉ đồng); Bắc Giang (55 tỉ đồng); Hà Nội (45 tỉ đồng); Long An (31 tỉ đồng)...
Còn 29 địa phương chưa giải ngân gói hỗ trợ. Nhiều nơi tỉ lệ rất thấp, như Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, An Giang, chỉ đạt dưới 1%. Nhiều nơi khác ban đầu dự kiến hỗ trợ lượng lớn lao động, nhưng đến nay tỉ lệ vẫn rất thấp, như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang.
Đề cập nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng địa phương còn thờ ơ, lúng túng trong việc bố trí, sử dụng kinh phí; doanh nghiệp sợ trách nhiệm, không dám xác nhận và lập hồ sơ đề nghị cho người lao động; người lao động chưa nắm hết thông tin để chủ động làm thủ tục.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định 08 về thực hiện chính sách hỗ trợ khoảng 6.600 tỉ đồng tiền thuê nhà cho 3,4 triệu người lao động. Hai nhóm thụ hưởng gồm người có hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội, đang làm việc trong doanh nghiệp và người quay lại thị trường lao động, làm tại khu công nghiệp, chế xuất, khu kinh tế, 24 tỉnh thành thuộc 4 vùng kinh tế trọng điểm. Người lao động thuê trọ sẽ nhận được hỗ trợ từ 500.000 đến một triệu đồng mỗi tháng, tối đa 3 tháng. Thời gian triển khai chính sách từ 01/4 đến hết 15/8.
Theo Cục Việc làm (thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), Quyết định 08 có hiệu lực từ 28/3 nhưng nếu người lao động thuê trọ từ ngày 01/2 đến 30/6 vẫn được hưởng chính sách khi đủ điều kiện. Lao động đang nghỉ thai sản, nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, không tham gia bảo hiểm xã hội nhưng vẫn có tên trong danh sách đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vẫn đủ điều kiện nhận hỗ trợ. Một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ giải ngân gói hỗ trợ thấp do các địa phương chờ kinh phí từ Trung ương. Đầu tháng 7, Thủ tướng quyết định cấp 100% kinh phí từ ngân sách Trung ương cho các địa phương để thực hiện, nhưng các tỉnh thành chưa đẩy nhanh được tiến độ.