Bản tin pháp luật tháng 12 năm 2022
Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam từ ngày 01/12/2022
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 31/2022/TT-BTC về Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (XK, NK) Việt Nam. Thông tư này có hiệu từ ngày 01/12/2022 và thay thế Thông tư 65/2017/TT-BTC, Thông tư 09/2019/TT-BTC.
Theo đó, ban hành kèm theo Thông tư 31/2022/TT-BTC gồm 02 Phụ lục:
- Phụ lục I: Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam;
- Phụ lục II: 06 quy tắc tổng quát giải thích việc phân loại hàng hóa theo Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam dựa trên Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa của Tổ chức Hải quan thế giới.
Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam được sử dụng để:
- Xây dựng các Biểu thuế áp dụng đối với hàng hóa XK, NK;
- Xây dựng các Danh mục hàng hóa phục vụ quản lý nhà nước theo quy định của Chính phủ và quy định tại khoản 4 Điều 26 Luật Hải quan;
- Thống kê Nhà nước về hàng hóa XK, NK;
- Phục vụ công tác quản lý nhà nước về XK, NK hàng hóa và các lĩnh vực khác.
Quy định về an toàn thực phẩm với cơ sở sản xuất mật ong xuất khẩu
Thông tư 15/2022/TT-BNNPTNT về kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y (VSTY) và an toàn thực phẩm (ATTP) đối với mật ong có hiệu lực từ ngày 10/12/2022.
Việc kiểm tra, giám sát VSTY và ATTP đối với cơ sở sản xuất mật ong xuất khẩu được quy định như sau:
- Cơ sở nuôi ong, thu mua mật ong: giám sát việc thực hiện nội dung đã cam kết theo quy định tại Thông tư 17/2018/TT-BNNPTNT và theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
- Cơ sở chế biến mật ong:
- Việc kiểm tra thông qua hoạt động kiểm tra để cấp Giấy chứng nhận (GCN) điều kiện VSTY;
- Việc giám sát điều kiện VSTY thực hiện theo quy định tại Điều 38 Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT (được sửa đổi tại khoản 11 Điều 1 Thông tư 10/2022/TT-BNNPTNT);
- Việc kiểm tra, giám sát VSTY và ATTP đối với cơ sở đã được cấp các loại GCN có giá trị tương đương GCNVSTY thực hiện theo yêu cầu của bên nhập khẩu hoặc tổ chức, cá nhân xuất khẩu;
GCN có giá trị tương đương GCNVSTY gồm các loại GCN theo quy định tại khoản 3 Điều 36 Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT (được sửa đổi tại khoản 9 Điều 1 Thông tư 10/2022/TT-BNNPTNT ).Các lĩnh vực người có chức vụ khi thôi giữ chức không được thành lập doanh nghiệp.
Nguyên tắc khai thác thông tin CSDL quốc gia về dân cư
Thông tư 46/2022/TT-BCA quy định về việc kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin giữa CSDL về dân cư với CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành và hệ thống thông tin khác do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành ngày 04/11/2022.
Việc khai thác thông tin giữa CSDL quốc gia về dân cư với các CSDL khác được thực hiện dựa trên các nguyên tắc sau:
- Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; bảo đảm các quy định về bảo mật, an ninh, an toàn thông tin mạng theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Không làm ảnh hưởng đến quyền lợi và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, không được xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trừ trường hợp pháp luật khác có quy định.
- Cơ quan quản lý CSDL quốc gia về dân cư Bộ Công an có trách nhiệm kết nối, chia sẻ thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư với cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân được kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin với CSDL quốc gia về dân cư phải bảo đảm điều kiện hạ tầng hệ thống thông tin, mô hình kết nối, cấu trúc dữ liệu, an ninh, an toàn, bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật.
Thông tư 46/2022/TT-BCA có hiệu lực thi hành từ ngày 19/12/2022.
13 nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
Nghị quyết 76/2022/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2022 về Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, có hiệu lực từ ngày 30/12/2022.
Theo đó, 13 nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV gồm:
-
- Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội;
- Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023;
- Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023;
- Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023;
- Nghị quyết đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
- Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô;
- Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk;
- Nghị quyết miễn nhiệm Tổng Kiểm toán nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026;
- Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021 - 2026;
- Nghị quyết bầu Tổng Kiểm toán nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026;
- Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021 - 2026;
- Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV;
- Nghị quyết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Nghị quyết 76/2022/QH15 có hiệu lực từ ngày 30/12/2022.
Phạm vi các khu vực tại cửa khẩu hàng không
Nghị định 93/2022/NĐ-CP về quản lý, bảo đảm an ninh, trật tự tại cửa khẩu đường hàng không có hiệu lực từ ngày 22/12/2022.
Theo đó, phạm vi các khu vực tại cửa khẩu đường hàng không được quy định như sau:
Phạm vi khu vực cửa khẩu đường hàng không bao gồm các khu vực thực hiện việc xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của người, phương tiện, xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh của hàng hóa, có ranh giới rõ ràng, được đặt biển báo theo quy định, bao gồm:
- Khu vực nhà ga hành khách: khu vực thực hiện thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của người, phương tiện vận tải; khu vực thực hiện thủ tục hải quan; khu vực đảo hành lý; khu vực kho lưu giữ hàng hóa, hành lý ký gửi, hành lý thất lạc;
- Khu vực nhà ga hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; kho hàng hóa xuất khẩu; kho hàng hóa nhập khẩu;
- Khu vực sân đỗ tàu bay: khu vực tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; khu vực xếp dỡ, chuyển tải, khu vực bãi chứa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh;
- Khu vực khác liên quan hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của người; xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, phương tiện vận tải trong trường hợp chuyến bay quốc tế được cấp phép đến địa điểm không phải cảng hàng không.
11 biểu mẫu trong xử lý vi phạm hành chính của Bộ Quốc phòng
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 79/2022/TT-BQP ngày 04/11/2022 quy định về ban hành, quản lý và sử dụng biểu mẫu trong xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.
Biểu mẫu được áp dụng trong xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng gồm:
- Biên bản ghi nhận vụ việc: Mẫu MBBGNVV
- Quyết định gia hạn thời hạn giải trình: Mẫu MQĐGHGT
- Thông báo về việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính: Mẫu MTBTG
- Đề nghị khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở: Mẫu MĐNK
- Phiếu khảo sát giá hàng hóa: Mẫu MPKSG
- Biên bản giao nhận hồ sơ vụ vi phạm để xử lý vi phạm hành chính: Mẫu MBBGN
- Quyết định thành lập Hội đồng xác định giá trị tang vật bị tạm giữ do vi phạm hành chính: Mẫu MQĐTLHĐ
- Biên bản họp Hội đồng xác định giá trị tang vật bị tạm giữ do vi phạm hành chính: Mẫu MBBHHĐ
- Quyết định bán tang vật bị tạm giữ do vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng: Mẫu MQĐBTS
- Biên bản bán tang vật bị tạm giữ do vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng: Mẫu MBBBH
- Sổ theo dõi xử phạt vi phạm hành chính: Mẫu MSTDXP
Thông tư 79/2022/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 22/12/2022.