Bản tin pháp luật tháng 01 năm 2022
Quy định mức chi xúc tiến, quảng bá du lịch từ NSNN
Thông tư 12/2022/TT-BTC hướng dẫn nội dung và mức chi từ NSNN để thực hiện nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch có hiệu lực từ ngày 09/4/2022.
Theo đó, một số định mức chi được quy định đơn cử như:
- Chi thanh toán công tác phí cho đối tượng được cử tham gia các chương trình xúc tiến du lịch ở nước ngoài: Thực hiện theo quy định tại Thông tư 102/2012/TT-BTC ngày 21/6/2012.
- Chi tổ chức các cuộc thi trong nước tìm hiểu, sáng kiến về xúc tiến, quảng bá du lịch nhằm khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam do Quỹ tổ chức:
- Biên soạn đề thi và đáp án (nếu có): Mức tối đa 1.000.000 đồng/đề thi;
- Bồi dưỡng chấm thi, Ban giám khảo cuộc thi, xét công bố kết quả thi: Mức tối đa 500.000 đồng/người/buổi;
- Bồi dưỡng thành viên Ban tổ chức, thư ký cuộc thi: Mức tối đa 350.000 đồng/người/buổi;...
Quy định nội dung Báo cáo tổng hợp thông tin tài chính theo quy ước
Thông tư 10/2022/TT-BTC quy định Báo cáo tổng hợp (BCTH) thông tin tài chính theo quy ước có hiệu lực từ ngày 01/4/2022.
Theo đó, nội dung và mẫu biểu BCTH thông tin tài chính theo quy ước quy định như sau:
- BCTH thông tin tài chính theo quy ước gồm:
- BCTH tình hình tài chính theo quy ước;
- BCTH kết quả hoạt động theo quy ước;
- Thuyết minh BCTH thông tin tài chính theo quy ước.
- Mẫu BCTH thông tin tài chính theo quy ước được quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư 10/2022/TT-BTC .
- Giai đoạn BCTH thông tin tài chính theo quy ước được quy định tại các Điều 31, Điều 35, Điều 113, Điều 114, Điều 115 và Điều 116 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020.
Nội dung kiểm tra đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài
Thông tư 02/2022/TT-BKHĐT hướng dẫn về công tác giám sát, đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại Việt Nam có hiệu lực từ ngày 01/4/2022.
Theo đó, nội dung kiểm tra tổ chức kinh tế, dự án có vốn ĐTNN đơn cử như sau:
- Tiến độ góp vốn điều lệ, tiến độ giải ngân vốn đầu tư đã đăng ký; tình hình góp vốn pháp định (đối với ngành, lĩnh vực có quy định vốn pháp định);…
- Việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước;
- Việc thực hiện các quy định về lao động, quản lý ngoại hối, môi trường, đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy và các quy định về pháp luật chuyên ngành khác;
- Tình hình tài chính của tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN;…
Tùy mục đích, yêu cầu của công tác kiểm tra và theo tính chất, đặc điểm của dự án có vốn ĐTNN, nội dung kiểm tra có thể bao gồm toàn bộ hay một phần các nội dung theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.
Nguyên tắc bổ sung, đưa ra khỏi Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH ban hành Thông tư 29/2021/TT-BLĐTBXH quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động có hiệu lực từ ngày 15/4/2022.
Theo đó, quy định nguyên tắc sửa đổi, bổ sung, đưa ra khỏi Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như sau:
- Việc rà soát, đánh giá phải được thực hiện đối với nghề, công việc thuộc ngành, lĩnh vực cụ thể.
- Quá trình chọn mẫu để rà soát, đánh giá phải được thực hiện phù hợp với từng loại hình, quy mô của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đại diện vùng, miền lấy mẫu.
- Kết quả rà soát, đánh giá, phân loại lao động theo điều kiện lao động được sử dụng để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc đưa ra khỏi Danh mục nghề là kết quả rà soát, đánh giá được thực hiện trong thời gian không quá 12 tháng cho đến tháng đề xuất.
Ngoài ra, theo Thông tư 29/2021/TT-BLĐTBXH, việc sửa đổi, bổ sung, đưa ra khỏi Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được thực hiện như sau:
- Căn cứ vào kết quả phân loại lao động theo phương pháp được quy định tại Thông tư 29/2021/TT-BLĐTBXH, trường hợp cần thiết sửa đổi, bổ sung hoặc đưa ra khỏi Danh mục nghề thì người sử dụng lao động có văn bản gửi bộ quản lý ngành, lĩnh vực có liên quan để xem xét, tổng hợp, đồng thời gửi Bộ LĐTBXH.
- Bộ quản lý ngành, lĩnh vực rà soát nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; xem xét ý kiến của người sử dụng lao động để đề xuất sửa đổi, bổ sung Danh mục nghề phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ và quản lý trong từng thời kỳ, gửi Bộ LĐTBXH.
Sửa tiêu chuẩn trình độ với giảng viên trường cao đẳng sư phạm
Thông tư 04/2022/TT-BGDĐT sửa đổi Thông tư 35/2020/TT-BGDĐT, trong đó sửa đổi tiêu chuẩn trình độ với giảng viên trường cao đẳng sư phạm như sau:
- Tiêu chuẩn trình độ với giảng viên cao đẳng sư phạm (hạng III):
- Có bằng đại học trở lên phù hợp với vị trí việc làm, chuyên ngành giảng dạy;
- Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm (đối với giảng viên không tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc đại học sư phạm kỹ thuật);
- Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm.
- Tiêu chuẩn trình độ với giảng viên cao đẳng sư phạm chính (hạng II):
- Có bằng thạc sĩ trở lên phù hợp với vị trí việc làm, ngành và chuyên ngành giảng dạy;
- Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm (đối với giảng viên không tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc đại học sư phạm kỹ thuật);
- Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm.
- Tiêu chuẩn trình độ với giảng viên cao đẳng sư phạm cao cấp (hạng I):
- Có bằng tiến sĩ phù hợp với vị trí việc làm, ngành hoặc chuyên ngành giảng dạy;
- Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm (đối với giảng viên không tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc đại học sư phạm kỹ thuật);
- Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm.
Theo quy định tại Điều 77, cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định. Ngoại trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của chất thải rắn sinh hoạt khác theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 75.
Các trường hợp Công ty xổ số điện toán hoàn trả tiền mua vé
Thông tư 18/2022/TT-BTC sửa đổi Thông tư 36/2019/TT-BTC hướng dẫn hoạt động kinh doanh xổ số tự chọn số điện toán (TCSĐT) có hiệu lực từ ngày 28/4/2022.
Theo đó, Công ty xổ số điện toán (XSĐT) phải hoàn trả tiền mua vé xổ số TCSĐT cho tất cả người tham gia dự thưởng trong các trường hợp sau:
- Lịch quay số mở thưởng được thông báo là bị hủy bỏ do sự cố kỹ thuật hoặc trường hợp bất khả kháng xảy ra do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn nhưng chưa có lịch quay số mở thưởng tổ chức lại.
Hoặc có lịch quay số mở thưởng lại nhưng thời gian quay số mở thưởng chậm hơn 72 giờ so với lịch ban đầu;
- Kết quả quay số mở thưởng đã công bố bị hủy bỏ theo kết luận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (Bộ Tài chính, cơ quan công an, cơ quan thanh tra, kiểm tra).
Công ty XSĐT phải quy định cụ thể thời hạn hoàn trả tiền mua vé xổ số TCSĐT tại Thể lệ tham gia dự thưởng nhưng tối đa không quá 60 ngày kể từ ngày quay số mở thưởng theo lịch ban đầu hoặc ngày công bố hủy bỏ kết quả quay số mở thưởng của cơ quan có thẩm quyền;
Vé xổ số tự chọn được đề nghị hoàn trả tiền mua vé phải đáp ứng đủ điều kiện như vé xổ số lĩnh thưởng.