Bản tin pháp luật tháng 02 năm 2022
Sửa quy định ghi tên tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm trên nhãn trang thiết bị y tế
Chính phủ ban hành Nghị định 111/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa, trong đó sửa quy định ghi tên tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm trên nhãn trang thiết bị y tế.
Theo đó, hàng hóa là trang thiết bị y tế được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam sẽ được ghi như sau:
- Tên, địa chỉ của chủ sở hữu trang thiết bị y tế và tên, địa chỉ của chủ sở hữu số lưu hành.
- Trường hợp trang thiết bị y tế chưa có số lưu hành thì ghi tên, địa chỉ của chủ sở hữu trang thiết bị y tế và tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân trên giấy phép nhập khẩu.
Ngoài ra, Nghị định 111/2021/NĐ-CP còn bổ sung quy định ghi xuất xứ hàng hóa đối với trường hợp không xác định được nơi xuất xứ như sau:
- Ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.
- Thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như sau: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.
Nghị định này có hiệu lực từ 15/02/2022.
Sửa đổi điều kiện với điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng
Nghị định 121/2021/NĐ-CP về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, sửa đổi điều kiện về điểm kinh doanh như sau: “Có các thiết bị điện tử và hệ thống camera để theo dõi, giám sát thường xuyên toàn bộ hoạt động trong Điểm kinh doanh (24/24h). Các hình ảnh phải được lưu trữ đầy đủ trong thời hạn tối thiểu 180 ngày kể từ ngày ghi hình.”
Đồng thời Nghị định 121 cũng bổ sung quy định về việc đảm bảo hình ảnh từ các thiết bị điện tử và hệ thống camera rõ nét tại các vị trí:
- Khu vực cửa ra, vào Điểm kinh doanh;
- Khu vực bố trí các máy trò chơi điện tử có thưởng;
- Khu vực thu ngân, kho quỹ kiểm đếm tiền mặt, đồng tiền quy ước và lưu giữ thiết bị đựng tiền mặt, đồng tiền quy ước.
Nghị định 121/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 12/02/2022 và thay thế Nghị định 86/2013/NĐ-CP ngày 29/07/2013, Nghị định 175/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016.
Tăng giờ làm thêm của người lao động thời vụ lên 40 giờ/tháng
Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng.
Theo Thông tư, số giờ làm thêm của người lao động thời vụ tăng lên 40 giờ/tháng. Bên cạnh đó, tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần cũng tăng lên 72 giờ/tuần
Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 01/02/2022 và thay thế Thông tư 54/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/12/2015.
Bổ sung một số nội dung bắt buộc trong hợp đồng xuất khẩu lao động
Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 đã bổ sung một số nội dung bắt buộc trong hợp đồng xuất khẩu lao động, cụ thể:
- Giáo dục định hướng trước khi đi làm việc.
- Việc bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng.
- Cơ chế, thủ tục và pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp.
Các nội dung khác trong hợp đồng xuất khẩu lao động vẫn được giữ nguyên, như:
- Thời hạn làm việc;
- Ngành, nghề công việc phải làm;
- Điều kiện, môi trường làm việc;
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
- An toàn, vệ sinh lao động;
- Tiền lương và tiền thưởng (nếu có), tiền làm thêm giờ, các khoản khấu trừ từ lương (nếu có);
- Điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, đi lại từ nơi ở tới nơi làm việc;
- Thỏa thuận khác không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 01/02/2022.
Quy định về điều chỉnh tiền lương tháng đã đóng BHXH từ năm 2022
Nội dung này được quy định tại Thông tư 36/2021/TT-BLĐTBXH quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH.
Theo đó, tiền lương tháng đã đóng BHXH đối với Người lao động đóng BHXH bắt buộc được điều chỉnh theo công thức sau:
Tiền lương tháng đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH của từng năm x Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng.
Đối với Người lao động vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện tiền lương do Nhà nước quy định vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì:
Tiền lương tháng đóng BHXH đối với Người lao động bắt đầu tham gia BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định từ ngày 01/01/2016 trở đi và tiền lương tháng đã đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được điều chỉnh theo quy định trên.
Thông tư 36/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 20/02/2022; áp dụng từ ngày 01/01/2022 và thay thế Thông tư 23/2020/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2020.
Mức đóng góp Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước
Nội dung này được đề cập tại Quyết định 40/2021/QĐ-TTg về Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước ban hành ngày 31/12/2021.
Theo đó, mức đóng góp của doanh nghiệp và người lao động vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước được quy định như sau:
- Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đóng góp Quỹ mức 150.000 đồng/người lao động/hợp đồng.
- Doanh nghiệp được hạch toán khoản đóng góp này vào chi phí hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp.
- Đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài đóng góp Quỹ mức 100.000 đồng/người/hợp đồng.
Căn cứ đóng góp Quỹ xác định trên cơ sở các Hợp đồng, văn bản ký kết đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài giữa doanh nghiệp dịch vụ và người lao động.
Quyết định 40/2021/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 21/02/2022 và thay thế Quyết định 144/2007/QĐ-TTg ngày 31/8/2007.