Bản tin pháp luật tháng 7 năm 2022
Quy định về tạm trú, lưu trú trong khu công nghiệp và xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái
Theo Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, trong khu công nghiệp không có nơi thường trú theo quy định của pháp luật về cư trú.
Chuyên gia, người lao động được phép tạm trú, lưu trú ở cơ sở lưu trú tại khu công nghiệp để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và thực hiện theo quy định sau đây:
- Đối với chuyên gia, người lao động là người Việt Nam thì thực hiện tạm trú, lưu trú theo quy định của pháp luật về cư trú;
- Đối với chuyên gia, người lao động là người nước ngoài thì thực hiện tạm trú theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Đồng thời, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp sinh thái phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp sinh thái:
- Đăng ký ngành, nghề thu hút đầu tư vào khu công nghiệp;
- Dự kiến mức phát thải cho từng ngành, nghề;
- Dự kiến phương án cộng sinh công nghiệp trong khu công nghiệp, phương án xây dựng và thực hiện cơ chế giám sát đầu vào, đầu ra của khu công nghiệp về sử dụng nguyên liệu, vật liệu, nước, năng lượng, hóa chất, chất thải, phế liệu và phương án thực hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng xung quanh tại hồ sơ dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp;
- Cam kết đáp ứng các tiêu chí xác định khu công nghiệp sinh thái quy định tại Điều 37 Nghị định 35/2022/NĐ-CP trong vòng 08 năm kể từ thời điểm khu công nghiệp được thành lập và xác định rõ lộ trình thực hiện.
- Được cấp có thẩm quyền quy định loại hình KCN sinh thái trong Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư để làm căn cứ kiểm tra, thanh tra, giám sát.
Nghị định 35/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/7/2022 thay thế Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018.
Tiêu chí đối với tổ chức cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử
Theo Thông tư 78/2021/TT-BTC, tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử (HĐĐT) có mã của cơ quan thuế và không có mã cho người bán và người mua phải đáp ứng các tiêu chí cụ thể về chủ thể, nhân sự, kỹ thuật, đơn cử như:
-
- Về chủ thể phải là tổ chức hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin được thành lập theo pháp luật Việt Nam; thông tin về dịch vụ HĐĐT được công khai trên trang thông tin điện tử của tổ chức;
- Về nhân sự phải có tối thiểu 5 nhân sự trình độ đại học chuyên ngành về công nghệ thông tin;
- Về kỹ thuật phải có hạ tầng kỹ thuật, thiết bị công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm đáp ứng yêu cầu như:
- Cung cấp giải pháp khởi tạo, xử lý, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và hóa đơn điện tử không có mã cho người bán và người mua theo quy định của pháp luật về HĐĐT và pháp luật khác có liên quan;
- Có giải pháp sao lưu, khôi phục, bảo mật dữ liệu HĐĐT;
- Có tài liệu kết quả kiểm thử kỹ thuật thành công về giải pháp truyền nhận dữ liệu HĐĐT với tổ chức cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu HĐĐT.
Thông tư 78/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/7/2022.
Quy định về kỳ kế toán thuế nội địa
Ngày 14/12/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 111/2021/TT-BTC hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thuế nội địa.
Theo đó, Kỳ kế toán thuế được xác định theo năm dương lịch, gọi là năm kế toán, bao gồm 4 ký tự, cụ thể:
- Kỳ kế toán thuế được tính từ đầu ngày 01/01 đến hết ngày 31/12 năm dương lịch.
- Kỳ kế toán thuế năm đầu tiên đối với đơn vị kế toán thuế mới thành lập được xác định từ đầu ngày quyết định thành lập mới, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập đơn vị kế toán thuế có hiệu lực đến hết ngày 31/12 năm dương lịch.
- Kỳ kế toán thuế cuối cùng của đơn vị kế toán thuế khi bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể tính từ đầu ngày 01/01 năm dương lịch đến hết ngày trước ngày quyết định chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể đơn vị kế toán thuế có hiệu lực.
- Thời gian của kỳ kế toán thuế năm đầu tiên, năm cuối cùng thực hiện theo hướng dẫn của Luật kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Thông tư 111/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/7/2022.
Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông
Thông tư 2/2022/TT-BTTTT (có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2022) quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông. So với quy định trước đây, Thông tư bổ sung thêm một số sản phẩm, hàng hóa bắt buộc phải chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy gồm:
-
- Thiết bị điện thoại không dây loại kéo dài thuê bao vô tuyến DECT (Hiện hành, tại Thông tư 01/2021/TT-BTTTT không quy định sản phẩm, hàng hóa này);
- Thiết bị phát, thu-phát vô tuyến cự ly ngắn dùng cho mục đích chung;
- Thiết bị thu phát vô tuyến sử dụng kỹ thuật điều chế trải phổ trong băng tần 2,4 GHz có công suất bức xạ đẳng hướng tương đương từ 60 mW trở lên;
- Thiết bị truy nhập vô tuyến băng tần 5 GHz có công suất bức xạ đẳng hướng tương đương từ 60 mW trở lên;
- Thiết bị Ra đa ứng dụng trong giao thông đường bộ hoặc đường sắt;
- Thiết bị cảnh báo và phát hiện vô tuyến điện;
- Thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến điện;
- Thiết bị nhận dạng vô tuyến điện (RFID);
- Thiết bị thu phí giao thông không dừng áp dụng công nghệ nhận dạng vô tuyến điện (RFID);
- Thiết bị âm thanh không dây;
- Thiết bị truyền dữ liệu băng siêu rộng (UWB).
Cập nhật chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D điện tử
Từ ngày 16/7/2022, Thông tư 10/2022/TT-BCT sửa đổi Thông tư 22/2016/TT-BCT thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN bắt đầu có hiệu lực thi hành.
C/O mẫu D điện tử (mẫu mới) được ban hành kèm theo Thông tư 10/2022/TT-BCT.
Còn C/O mẫu D theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 19/2020/TT-BCT (mẫu cũ) được cấp đến hết ngày 31/10/2022 và được cơ quan hải quan chấp nhận trong thời hạn quy định tại Điều 15 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 19/2020/TT-BCT.
Như vậy, trong giai đoạn chuyển tiếp từ nay đến hết ngày 31/10/2022, cơ quan hải quan chấp nhận đồng thời C/O mẫu D mẫu cũ và C/O mẫu D mới.
Từ ngày 01/11/2022, cơ quan hải quan chỉ chấp nhận C/O mẫu D (mẫu mới).
Ngoài ra, Thông tư 10/2022/TT-BCT cũng hướng dẫn cụ thể về chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa (tại Điều 12 của Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 10/2022/TT-BCT) sau thời gian thực hiện thí điểm theo Thông tư 22/2016/TT-BCT.
Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán
Ngày 28/4/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 25/2022/TT-BTC Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán. Theo đó, Thông tư số 25/2022/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí quản lý và giám sát hoạt động chứng khoán; lệ phí cấp giấy phép, giấy chứng nhận hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Thông tư số 25/2022/TT-BTC áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nộp phí, lệ phí; tổ chức thu phí, lệ phí; các tổ chức, cá nhân khác liên quan đến thu, nộp phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán.
Thông tư số 25/2022/TT-BTC còn có các quy định về: Tổ chức thu và người nộp phí, lệ phí; Mức thu phí, lệ phí; Kê khai, thu, nộp phí, lệ phí của người nộp; Kê khai, nộp phí, lệ phí của tổ chức thu; Quản lý và sử dụng phí.
Thông tư số 25/2022/TT-BTC ngày 28/4/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2022 và bãi bỏ Thông tư số 272/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán.