Giải pháp bảo vệ quyền của cổ đông trong công ty cổ phần? Quy định của pháp luật về bảo vệ quyền của công ty cổ phần? Cùng Bộ phận Hỗ trợ pháp lý của Công ty Luật TNHH HDS tìm hiểu qua bài viết dưới đây. Hy vọng những thông tin cung cấp trong bài viết sẽ giúp độc giả vận dụng giải quyết những tình huống thực tế phát sinh trong đời sống.
Bảo vệ cổ đông và cơ sở bảo vệ quyền của cổ đông trong công ty cổ phần
Bảo vệ cổ đông trong công ty cổ phần (CTCP) được hiểu là các hoạt động được thực hiện bởi những chủ thể có thẩm quyền nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích được hưởng của cổ đông nhằm phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm của cổ đông khác, đồng thời phục hồi những quyền đã bị hạn chế hoặc tước bỏ bởi hành vi vi phạm. Đối với công ty, bảo vệ cổ đông hiệu quả sẽ góp phần thúc đẩy khả năng huy động vốn đầu tư, khuyến khích các nhà đầu tư tiếp tục đồng hành cùng công ty và sẵn sàng bỏ vốn thêm khi công ty có nhu cầu huy động, thay vì phải đi vay vốn tại các ngân hàng, tạo sự bền vững trong quá trình phát triển của công ty.
Một hệ thống pháp luật bảo vệ cổ đông hiệu quả cao phải đảm bảo hai yếu tố: (i) Có sự hiện diện đầy đủ các quy định bảo vệ quyền và lợi ích của cổ đông; (ii) Cơ chế thực thi hiệu quả các quy định đó. Có thể nêu ra các lý do ban hành các quy tắc và cơ chế bảo vệ cổ đông như:
Thứ nhất, nguy cơ lạm quyền của những người quản lý công ty. Sự tách bạch giữa quyền sở hữu và quyền quản lý là một trong những đặc trưng của CTCP. Các cơ hội kinh doanh có thể bị bỏ lỡ nếu lúc nào các quyết định cũng cần có sự phê chuẩn của tất cả các cổ đông cư trú ở khắp mọi nơi. Do vậy, các cổ đông phải trao quyền lực cho một đội ngũ quản lý chuyên nghiệp “dùng tiền của mình để kinh doanh”, những người này có thể có hoặc không có cổ phần trong công ty. Tuy nhiên, không phải lúc nào những người quản lý công ty cũng hành động vì mục tiêu tối đa hóa lợi ích cho các cổ đông. Các xung đột về lợi ích giữa cổ đông và người quản lý luôn hiện hữu, xuất phát từ mối quan hệ “ủy quyền - tác nghiệp”.
Người quản lý có thể tiến hành các giao dịch gây phương hại đến lợi ích của công ty và cổ đông, thậm chí chiếm đoạt lợi ích của cổ đông. Chẳng hạn, dùng tài sản của công ty để mưu lợi riêng thông qua việc trả lương quá cao, mua tài sản của công ty với giá hời, vay vốn công ty với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường, nâng giá trị hợp đồng việc thuê văn phòng, kho bãi… Vì lẽ đó, cổ đông cần được trao các công cụ nhằm kiểm soát người quản lý để đảm bảo họ hành động vì lợi ích của công ty và vì lợi ích của cổ đông. Luật pháp các nước, ít hay nhiều, đều thiết lập các nguyên tắc pháp lý, các cơ chế bầu, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), Giám đốc (GĐ)/Tổng Giám đốc (TGĐ), trách nhiệm của những người quản lý, giám sát các giao dịch dễ gây rủi ro cho công ty và cổ đông.
Thứ hai, sự lấn át của cổ đông lớn đối với cổ đông nhỏ. Trong CTCP, quyền của các cổ đông tương ứng với số vốn đã góp vào công ty. Do vậy, cổ đông góp nhiều vốn (tức có nhiều cổ phần) sẽ có nhiều ưu thế hơn đối với hoạt động quản lý công ty. Với nguyên tắc thông qua các quyết định quản lý thông thường khi có quá nửa số cổ phần biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) chấp thuận, cổ đông nắm ít cổ phần có quyền biểu quyết chịu “lép vế”. Quyền đối với hoạt động quản lý công ty thuộc về số ít các cổ đông lớn. Một mặt, khi nhóm nhỏ cổ đông chi phối hoạt động của công ty, họ sẽ có động cơ để tối đa hóa giá trị công ty phục vụ lợi ích của chính mình. Mặt khác, lợi ích từ hoạt động kinh doanh của công ty có khả năng bị phân phối không công bằng cho đa số các cổ đông nhỏ, sự lạm quyền của nhóm cổ đông chi phối có khả năng gây hại cho những cổ đông nhỏ còn lại.
Mặt khác, trong tương quan so sánh với các chủ thể có mối liên hệ với công ty như chủ nợ, người lao động, người cung cấp nguyên vật liệu, cổ đông với tư cách là người góp vốn kinh doanh luôn chịu rủi ro nhiều hơn. Thế nhưng, lợi ích của cổ đông khó có thể được bảo vệ thích đáng chỉ bởi các thỏa thuận hợp đồng. Điều này luận giải vì sao luật pháp cần quy định cho đối tượng này những quyền nhất định để kiểm soát hoạt động của công ty.
Các quy định của pháp luật bảo vệ quyền của cổ đông trong công ty cổ phần và kiến nghị hoàn thiện
Các quy định về nhóm quyền tài sản
Thứ nhất, về thanh toán cổ tức: Pháp luật hiện hành không can thiệp sâu vào việc chi trả cổ tức của doanh nghiệp, mà giao toàn quyền cho ĐHĐCĐ - Cơ quan có quyền cao nhất trong công ty quyết định. Nhưng ĐHĐCĐ của các công ty thường chỉ thông qua tỷ lệ cổ tức, còn thời gian thanh toán lại ủy quyền cho HĐQT quyết định. Trên thực tế, có tình trạng chậm chi trả cổ tức, không chịu chi trả cổ tức cho cổ đông. Về lý thuyết thì cổ đông có quyền khởi kiện công ty nợ cổ tức ra Tòa án, nhưng việc khởi kiện được đánh giá là khó khả thi trên thực tế. Giả sử cổ đông có thắng kiện thì cũng có nhiều khó khăn để bản án được thi hành, chưa kể nếu có đòi được cũng không tương xứng với chi phí và công sức bỏ ra.
Khoản 4 Điều 135 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày kết thúc họp ĐHĐCĐ thường niên. HĐQT lập danh sách cổ đông được nhận cổ tức, xác định mức cổ tức được trả đối với từng cổ phần... Tuy nhiên, cần quy định rõ việc chi trả cổ tức đúng thời hạn là trách nhiệm và nghĩa vụ của GĐ (TGĐ) hoặc Chủ tịch HĐQT; nếu không thực hiện được đúng, những người này phải chịu trách nhiệm cá nhân và phải trả thêm lãi suất hay lãi phạt.
Thứ hai, về quyền ưu tiên mua cổ phần: Theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, cổ đông được ưu tiên mua cổ phần mới chào bán tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần hiện có của cổ đông trong công ty (Điều 124). Luật Doanh nghiệp năm 2020 không có bất cứ một quy định nào hạn chế quyền ưu tiên mua cổ phần mới chào bán của cổ đông hiện hữu trong một số trường hợp cụ thể nào. Do đó, quyền ưu tiên này phải được hiểu là áp dụng trong mọi trường hợp và không bị hạn chế do bất cứ điều kiện nào. Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp năm 2020 không có bất cứ quy định nào cho phép ĐHCĐ có thể loại bỏ quyền ưu tiên mua cổ phần mới chào bán của các cổ đông hiện hữu. Nói cách khác, theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, các CTCP khi chào bán cổ phần mới phải luôn đảm bảo quyền ưu tiên mua cổ phần mới chào bán của cổ đông hiện hữu theo quy định tại Điều 124 Luật Doanh nghiệp năm 2020. Nếu các cổ đông hiện hữu không mua hoặc không mua hết thì mới có cơ sở để phân phối cho các đối tượng khác.
Pháp luật một số nước phát triển lại không quy định như vậy mà liệt kê một số trường hợp cụ thể nếu rơi vào thì quyền này sẽ bị loại bỏ. Cụ thể như:
- Theo pháp luật của Cộng hòa Pháp, Điều L225-132 Bộ luật Thương mại Pháp trao cho các cổ đông quyền ưu tiên mua cổ phần mới chào bán. Tuy nhiên, điều luật này cũng quy định rõ là một cuộc họp ĐHCĐ bất thường để quyết định về việc tăng vốn của công ty có thể quyết định loại bỏ quyền ưu tiên mua cổ phần mới chào bán của cổ đông. Cuộc họp ĐHCĐ đó (được 2/3 số cổ đông có mặt chấp thuận) có thể quyết định phân bổ số cổ phần phát hành thêm cho một số đối tượng cụ thể (hoặc đáp ứng một số yêu cầu cụ thể).
- Theo Luật Công ty của Đức, cổ đông có quyền ưu tiên đối với cổ phần mới quyền phát hành và phải có ít nhất 02 tuần để thực hiện quyền sau khi giá phát hành được công bố. Tuy nhiên, quyền ưu tiên có thể bị loại trừ bằng biểu quyết bởi số cổ đông đại diện cho 3/4 tổng số cổ phần tham gia cuộc họp ĐHCĐ. Việc loại bỏ quyền ưu tiên phải được xác nhận bằng văn bản của HĐQT và cổ đông có thể phản đối quyết định này.
- Luật Công ty của Anh cũng quy định nguyên tắc ưu tiên cho cổ đông hiện hữu khi phát hành cổ phần. Theo đó, cổ đông hiện hữu được quyền ưu tiên mua cổ phần mới phát hành theo tỷ lệ cổ phần của họ trong công ty. Tuy nhiên, nguyên tắc này có thể bị loại bỏ bằng một quyết định đa số của công ty hoặc biểu quyết 2/3 chấp thuận việc loại bỏ nguyên tắc này.
Như vậy, pháp luật các nước nêu trên đều quy định, cổ đông hiện hữu có quyền ưu tiên mua cổ phần khi công ty phát hành thêm và ĐHCĐ có quyền loại bỏ quyền ưu tiên này với một tỷ lệ biểu quyết nhất định. Nhưng điều khoản cho phép ĐHCĐ loại bỏ quyền ưu tiên này không có trong Luật Doanh nghiệp (LDN) Việt Nam. Điều này có thể được diễn giải là khi xây dựng LDN, các nhà làm luật quy định cứng về việc cổ đông hiện hữu được quyền ưu tiên mua cổ phần mới chào bán và không cho phép ĐHCĐ loại bỏ quyền này. Theo các tác giả, nên nghiên cứu và có thể tiếp thu, bổ sung quy định này vào LDN.
Thứ ba, về quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần: Quyền yêu cầu mua lại này góp phần bảo vệ lợi ích của các cổ đông khi họ có sự thay đổi nguyện vọng. Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định “cổ đông biểu quyết phản đối quyết định về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình”. Như vậy, cổ đông chỉ được thực hiện quyền này khi có căn cứ được quy định cụ thể trong LDN, nếu Điều lệ công ty có quy định khác ngoài các trường hợp luật định thì không có giá trị pháp lý. Quy định như vậy là chưa đầy đủ, bởi Luật chỉ quy định những trường hợp thực sự cần thiết; bên cạnh đó, hoạt động của công ty còn dựa trên những cam kết nội bộ của công ty được quy định cụ thể trong Điều lệ. Mặt khác, pháp luật hầu hết các nước đều ghi nhận nguyên tắc cổ đông có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần nếu có căn cứ luật định hoặc Điều lệ công ty quy định.
Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền xem xét, tra cứu, trích lục sổ biên bản và nghị quyết, quyết định của HĐQT, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm, báo cáo của Ban Kiểm soát, hợp đồng, giao dịch phải thông qua HĐQT và tài liệu khác (Điều 115 Luật Doanh nghiệp năm 2020). Quy định này mở rộng quyền tiếp cận thông tin và tăng khả năng giám sát của cổ đông đối với các giao dịch cần được giám sát như giao dịch với người có liên quan nhằm hạn chế việc thất thoát tài sản, gây thiệt hại cho công ty. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp năm 2020 loại trừ tài liệu liên quan đến bí mật thương mại, bí mật kinh doanh của công ty ra khỏi phạm vi của điều này, tức là cổ đông sẽ không có quyền tiếp cận loại tài liệu này. Vấn đề thế nào là “bí mật thương mại”? trong khi luật chuyên ngành là Luật Sở hữu trí tuệ chỉ quy định về “bí mật kinh doanh”. Như vậy, công ty có thể lạm dụng loại trừ này để cho rằng một tài liệu nào đó là bí mật thương mại nhằm từ chối không cho cổ đông tiếp cận. Ngoài ra, phạm vi loại trừ là quá rộng. Một tài liệu, chẳng hạn như một bản hợp đồng nào đó phải được HĐQT thông qua, có thể chứa đựng (hay như ngôn từ của Luật là “liên quan đến”) bí mật thương mại, bí mật kinh doanh. Tuy nhiên, thông tin mà cổ đông cần biết trong tài liệu đó không nhất thiết phải là bí mật thương mại, bí mật kinh doanh nào cả mà là những thông tin khác. Như vậy, loại trừ toàn bộ nội dung của tài liệu ấy là không cần thiết, bất hợp lý và thu hẹp quyền tiếp cận thông tin của cổ đông. Để tránh điều khoản loại trừ này bị lạm dụng, cần phải có định nghĩa rõ ràng thế nào là “bí mật thương mại, bí mật kinh doanh” trong phạm vi điểm a khoản 2 Điều 115 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Các quy định về nhóm quyền phục hồi quyền lợi
Thứ nhất, về quyền yêu cầu hủy nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông
Điều 191 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định cổ đông có quyền yêu cầu Tòa án hoặc trọng tài hủy nghị quyết ĐHĐCĐ trong một số trường hợp, điều này nghĩa là trao cho trọng tài thẩm quyền hủy bỏ nghị quyết của ĐHĐCĐ. Các tác giả cho rằng, không nên trao cho trọng tài thẩm quyền này bởi việc yêu cầu hủy bỏ quyết định của ĐHĐCĐ không phải là một tranh chấp thương mại, do đó theo Luật Trọng tài thương mại năm 2010 thì trọng tài không thể thụ lý giải quyết yêu cầu này.
Vấn đề thứ hai là làm thế nào để cổ đông yêu cầu Tòa án hủy bỏ nghị quyết của ĐHĐCĐ và đây là vụ án hay chỉ là yêu cầu? Thực tế xét xử cho thấy các tòa, các thẩm phán đang có hai cách hiểu về yêu cầu nêu trên. Một là, hiểu đó là vụ án theo quy định tại Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015; Hai là hiểu đó là yêu cầu đối với việc dân sự theo Điều 31 BLTTDS năm 2015. Các tác giả cho rằng, phải hiểu yêu cầu hủy bỏ quyết định của ĐHĐCĐ theo quan điểm thứ hai mới chính xác vì đây là loại việc dân sự.
Một vấn đề khác được đặt ra là địa vị pháp lý của các bên đương sự trong trường hợp này như thế nào? Chẳng hạn, quyết định của ĐHĐCĐ bầu ra HĐQT mới nhưng bị một nhóm cổ đông kiện yêu cầu tòa hủy bỏ quyết định của ĐHĐCĐ nêu trên thì đại diện HĐQT cũ hay mới phải tham gia tố tụng với tư cách người đại diện cho công ty và cơ quan nào sẽ điều hành công ty trong khoảng thời gian tòa giải quyết tranh chấp? Điều này cũng chưa được Luật quy định. Một số thẩm phán cho rằng, người đứng đầu HĐQT mới của công ty phải thay mặt để tham gia tố tụng. Lý do là quyết định của Hội đồng này chưa bị hủy bỏ bởi một bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật, đồng nghĩa với việc quyết định của ĐHĐCĐ còn hiệu lực. Quan điểm này cũng giống với quan điểm của Tòa kinh tế - Tòa án nhân dân tối cao. Và như vậy, quyết định đó có thể vi phạm quy định của Luật, quy trình đại hội… nhưng về nguyên tắc, phải được tôn trọng và chấp hành. Ngoài ra, HĐQT mới sẽ là cơ quan quản lý hoạt động của công ty trong suốt quá trình tòa giải quyết tranh chấp. Theo các tác giả, vấn đề này chưa hợp lý, bởi nếu sau khi Tòa án tuyên hủy quyết định của ĐHĐCĐ, giải quyết ra sao với quyết định này khi nó đã và đang được thực hiện, có thể nói rằng nhà làm luật đã đặt việc này vào tình trạng “sự đã rồi”. Nếu hiểu theo cách quyết định của ĐHĐCĐ vẫn có hiệu lực, thì nên bỏ quyền yêu cầu hủy quyết định của ĐHĐCĐ tại Điều 151 Luật Doanh nghiệp năm 2020. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông trong trường hợp này, LDN nên quy định theo hướng khi quyết định của ĐHĐCĐ bị cổ đông yêu cầu hủy thì quyết định này sẽ tạm thời ngừng hiệu lực cho đến khi có quyết định của Tòa án hoặc trọng tài giải quyết vấn đề này, và những người khởi kiện nhưng không đúng sẽ phải bồi thường thiệt hại cho công ty. Nếu quy định như nêu trên thì sẽ hạn chế được sự tác động của các quyết định của ĐHĐCĐ tới đa số các cổ đông, thông qua đó quyền lợi của cổ đông sẽ được bảo vệ nhiều hơn và không ai dám lợi dụng quyền năng này để làm sai trái hay cản trở sự phát triển của công ty.
Thứ hai, theo khoản 3 Điều 115 Luật Doanh nghiệp năm 2020, khi HĐQT vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao thì cổ đông, nhóm cổ đông tại khoản 2 Điều 115 có quyền yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐ, nhưng Luật lại không quy định thế nào là vi phạm nghiêm trọng. Điều này làm cho quy định này mang tính hình thức. Văn bản hướng dẫn thi hành cần quy định rõ thế nào là vi phạm nghiêm trọng, trong những trường hợp nào thì HĐQT đã vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông. Mặt khác, khi HĐQT có các sai phạm nghiêm trọng này thì cá nhân các cổ đông có được quyền khởi kiện trách nhiệm dân sự thành viên HĐQT khi đã không thực hiện quyền triệu tập ĐHĐCĐ hay không? Vấn đề này cũng không được luật đề cập. Theo các tác giả, song song với việc triệu tập ĐHĐCĐ thì cổ đông không mất quyền viện dẫn tới cơ quan nhà nước để bảo vệ khi lợi ích của mình bị thiệt hại thông qua các chế định về khởi kiện trách nhiệm dân sự, bởi đây là hai quan hệ độc lập: một quan hệ là làm tổn hại lợi ích chung, một quan hệ là gây thiệt hại lợi ích riêng của mỗi cổ đông. Chính vì vậy, cổ đông có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại cho bản thân và triệu tập ĐHĐCĐ để chấm dứt hành vi sai trái của HĐQT./.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 10 (458), tháng 05/2022
http://www.lapphap.vn/Pages/TinTuc/211185/Giai-phap-bao-ve-quyen-cua-co-dong-trong-cong-ty-co-phan.html
THS. LÊ THANH SƠN
GV. Bộ môn Nhà nước và Pháp luật,
Khoa Công tác đảng, công tác chính trị, Học viện Hậu Cần,
TS. ĐỒNG THÁI QUANG
Chủ nhiệm Bộ môn Nhà nước và Pháp luật,
Khoa Công tác đảng, công tác chính trị, Học viện Hậu Cần
Tư vấn pháp luật trực tuyến - liên hệ HDS LAW
Khi cần hỗ trợ Tư vấn pháp luật trực tuyến hãy liên hệ ngay đến với Bộ phận hỗ trợ pháp lý - Công ty luật TNHH HDS. Chúng tôi sẽ mang đến cho khách hàng nhiều lợi ích to lớn như:
Được đội ngũ luật sư dày dặn kinh nghiệm, hơn 15 năm làm việc cùng nhiều doanh nghiệp ở đa dạng lĩnh vực khác nhau hỗ trợ tư vấn tận tình, chuyên nghiệp
- Chi phí hợp lý, rõ ràng, phù hợp với nhiều đối tượng Khách hàng (Tối ưu chi phí);
- Thời gian thực hiện công việc nhanh chóng (Tiết kiệm thời gian);
- Giải pháp, phương án tư vấn tối ưu quyền và lợi ích của khách hàng;
- Thu hẹp rủi ro xuống mức thấp nhất;
- Thái độ làm việc chuyên nghiệp, tận tâm và chia sẻ;
- Chăm sóc khách hàng chu đáo trong suốt quá trình tiếp nhận, thực hiện yêu cầu tư vấn và cả sau khi kết thúc dịch vụ;
- Kết quả gửi trả Khách hàng theo quy chuẩn lưu hành chung của HDS, thể hiện thái độ làm việc chuyên nghiệp;
- Luôn lắng nghe đánh giá, phản hồi của Khách hàng để nâng cao chất lượng dịch vụ;
- Phạm vi tư vấn toàn quốc.
Phương thức tư vấn pháp luật trực tuyến là như thế nào?
Tư vấn qua hệ thống tổng đài điện thoại 19003216
Trên cơ sở số điện thoại tổng đài mà HDS Law đã đăng ký với nhà mạng và hệ thống dữ liệu liên quan đến lĩnh vực luật lao động đã được lưu trữ (hệ thống thư viện nội bộ) cùng đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản, HDS Law sẽ tiếp nhận và tư vấn trực tiếp cho khách hàng các vấn đề pháp lý liên quan đến quan hệ lao động thông qua hệ thống tổng đài điện thoại với số 19003216. Trên cơ sở thời gian mà khách hàng nhận tư vấn mà sẽ thanh toán phí viễn thông cho nhà mạng.
Tư vấn qua Email
Trên cơ sở nội dung yêu cầu tư vấn và tài liệu mà khách hàng cung cấp liên quan quan hệ lao động, HDS Law sẽ nghiên cứu để đưa ra giải pháp tối ưu cũng như làm rõ các vấn đề pháp lý liên quan đến quan hệ lao động cho cho khách hàng. Toàn bộ kết quả tư vấn sẽ được HDS Law soạn thảo trên cơ sở email, Thư tư vấn được đính kèm email để gửi tới quý khách hàng. Phí dịch vụ sẽ được tính trên cơ sở nội dung yêu cầu và được thông báo tới Quý khách hàng trước khi HDS Law tiến hành nghiên cứu.
Bên cạnh dịch vụ tư vấn pháp luật trực tuyến, HDS Law còn cung cấp:
- Dịch vụ tư vấn đầu tư
- Dịch vụ về Sở hữu trí tuệ
- Dịch vụ tư vấn doanh nghiệp
- Dịch vụ tư vấn giải quyết tranh chấp
- Dịch vụ tư vấn về Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp (M&A)
Hãy liên hệ đến HDS Law để được Tư vấn pháp luật trực tuyến khi có nhu cầu. Chúng tôi sẽ luôn đồng hành với quý khách hàng, quý doanh nghiệp trên con đường phát triển vững mạnh của mình!
Thông tin liên hệ
- Trụ sở: Phòng 401, tầng 4, tòa nhà đa năng số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, phường trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
- Hotline: 0901794012
- Email: contact@hdslaw.vn
- Website: https://hdslaw.vn/