Với cổ đông, các quyền mang tính kinh tế có vai trò quan trọng, vì đó là mục đích để cổ đông góp vốn mua cổ phần. Còn khi thực hiện các quyền không mang tính kinh tế là biện pháp cần thiết để cổ đông bảo đảm các quyền mang tính kinh tế của mình.
Các quyền không mang tính kinh tế của cổ đông
Mục lục Ẩn
- Khái quát về các quyền cổ đông
- Các quyền không mang tính kinh tế của cổ đông
- Quyền tham dự và biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông
- Quyền tiếp cận thông tin
- Quyền triệu tập cuộc họp Đại hội đồng cổ đông
- Quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát
- Quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, nghị quyết và quyết định của Hội đồng quản trị
- Quyền khởi kiện người quản lý công ty
Khái quát về các quyền cổ đông
Quyền cổ đông có thể hiểu là quyền của chủ thể sở hữu cổ phần của công ty cổ phần, phát sinh từ việc chủ thể góp vốn mua cổ phần tạo nên vốn điều lệ. Cổ đông thực hiện việc góp vốn mua số lượng cổ phần nhất định, tài sản vốn góp của cổ đông sẽ được chuyển sang công ty là chủ sở hữu. Hoạt động góp vốn “là việc chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền hưởng dụng một thứ tài sản để được hưởng các quyền lợi của công ty”. Sau khi cổ đông góp vốn mua cổ phần, tài sản của công ty và tài sản của các chủ sở hữu có sự tách bạch nhau, công ty với tư cách là chủ sở hữu các tài sản của mình mà các sáng lập viên góp vào, vì thế, nó là chủ thể của các quan hệ pháp luật - có tư cách pháp nhân.
Quyền cổ đông khá đa dạng và gắn liền với các hoạt động kinh doanh của công ty. Trong đó, nếu căn cứ vào tính chất kinh tế của quyền cổ đông có thể chia thành: (i) Các quyền mang tính kinh tế (quyền tài sản) như: Quyền được hưởng cổ tức, quyền được ưu tiên mua cổ phần mới chào bán, quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần, quyền được phân chia tài sản khi công ty chấm dứt hoạt động và quyền chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác. (ii) Các quyền không mang tính kinh tế của cổ đông như: Quyền tham dự và biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), quyền tiếp cận thông tin, quyền triệu tập cuộc họp, quyền đề cử người quản lý, quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết ĐHĐCĐ hoặc quyết định, nghị quyết của Hội đồng quản trị, quyền khởi kiện người quản lý công ty.
Các quyền không mang tính chất kinh tế có thể hiểu là các “quyền phi kinh tế” hay các “quyền tham gia quản lý (còn gọi là quyền chính trị)” của cổ đông, là một quyền lợi “gắn liền cổ đông với hoạt động của công ty, có thể là việc lựa chọn quản trị viên, bỏ phiếu về việc chia lãi hoặc mọi thông tin về công việc của công ty”. Các quyền không mang tính kinh tế của cổ đông không phải là các “quyền tài sản và chỉ có chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng cổ phần” và gắn liền cổ đông với quá trình hoạt động của công ty.
Với cổ đông, các quyền mang tính kinh tế có vai trò quan trọng, vì đó là mục đích để cổ đông góp vốn mua cổ phần. Còn khi thực hiện các quyền không mang tính kinh tế là biện pháp cần thiết để cổ đông bảo đảm các quyền mang tính kinh tế của mình.
Các quyền không mang tính kinh tế của cổ đông
Quyền tham dự và biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông
Cổ đông phổ thông có quyền tham dự, phát biểu và biểu quyết trong cuộc họp ĐHĐCĐ không phụ thuộc vào tỷ lệ sở hữu cổ phần, mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết.
Các cổ đông sở hữu cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi biểu quyết đều có quyền dự họp và biểu quyết tại ĐHĐCĐ. Các cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại, cổ tức hoặc loại ưu đãi khác chỉ trừ những trường hợp quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2020 hoặc điều lệ, còn về nguyên tắc không có quyền biểu quyết, dự họp ĐHĐCĐ, đề cử người vào Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát. Trừ trường hợp, cổ đông sở hữu cổ phần loại này có quyền tham dự và biểu quyết về vấn đề tương ứng như cổ phần ưu đãi có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông và nghị quyết ĐHĐCĐ về nội dung làm thay đổi bất lợi quyền và nghĩa vụ của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi.
Quyền tiếp cận thông tin
Quyền tiếp cận thông tin là quyền của cổ đông được đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp thông tin về hoạt động kinh doanh của công ty để thực hiện việc theo dõi, giám sát với tư cách là chủ sở hữu. Bởi, các cổ đông “phải có quyền được biết được những thông tin tối thiểu về hình hình của công ty để kịp thời hành động; công ty càng mang tính đại chúng thì yêu cầu mức độ công bố thông tin càng cao”. Quyền tiếp cận thông tin là một quyền cơ bản, quan trọng để cổ đông giám sát các hoạt động kinh doanh của công ty và việc điều hành của người quản lý. Dựa trên cơ sở “đầy đủ thông tin và chính xác, nhà đầu tư có thể quyết định tiếp tục duy trì, tăng, giảm hay thậm chí hủy tài khoản cổ phần của mình”.
Trách nhiệm của người quản lý công ty phải cung cấp kịp thời, đầy đủ và chính xác thông tin, tài liệu theo yêu cầu. Đồng thời, không sử dụng thông tin của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác. Trách nhiệm của cổ đông phải bảo mật các thông tin được công ty cung cấp; chỉ sử dụng thông tin được cung cấp để thực hiện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; nghiêm cấm phát tán hoặc sao chụp, gửi thông tin được công ty cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác.
Quyền triệu tập cuộc họp Đại hội đồng cổ đông
Hội đồng quản trị phải triệu tập họp ĐHĐCĐ trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày xảy ra trường hợp theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 và nếu HĐQT không triệu tập họp thì Chủ tịch và các thành viên phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho công ty. Nếu HĐQT không triệu tập, thì Ban kiểm soát thay thế triệu tập họp ĐHĐCĐ trong thời hạn 30 ngày tiếp theo và trường hợp Ban kiểm soát không triệu tập họp theo quy định thì Ban kiểm soát phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho công ty. Nếu Ban kiểm soát không triệu tập họp thì cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ nhỏ hơn theo điều lệ có quyền yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐ.
Các vấn đề pháp lý khi cổ đông triệu tập họp ĐHĐCĐ được thể hiện ở: (i) Cơ sở thực hiện quyền yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐ: Khi có căn cứ cho rằng HĐQT vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao; (ii) Tỷ lệ cổ phần sở hữu: Cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn; (iii) Hình thức yêu cầu triệu tập họp: Yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐ phải bằng văn bản và bao gồm các nội dung theo quy định của pháp luật và điều lệ. Kèm theo phải có các tài liệu, chứng cứ về các vi phạm của HĐQT, mức độ vi phạm hoặc về quyết định vượt quá thẩm quyền.
Quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát
Cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc tỷ lệ khác nhỏ hơn theo điều lệ có quyền đề cử người vào HĐQT, Ban kiểm soát và thực hiện như sau: Các cổ đông phổ thông hợp thành nhóm để đề cử người vào HĐQT, Ban kiểm soát phải thông báo về việc họp nhóm cho các cổ đông dự họp biết trước khi khai mạc ĐHĐCĐ; căn cứ số lượng thành viên HĐQT và Ban kiểm soát, cổ đông/nhóm cổ đông đủ điều kiện được quyền đề cử một hoặc một số người theo quyết định của ĐHĐCĐ làm ứng cử viên HĐQT và Ban kiểm soát. Trường hợp số ứng cử viên được đề cử thấp hơn số ứng cử viên mà họ được quyền đề cử theo quyết định của ĐHĐCĐ thì số ứng cử viên còn lại do HĐQT, Ban kiểm soát và các cổ đông khác đề cử.
Trong các cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi, chỉ có cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết có quyền đề cử người vào HĐQT, Ban kiểm soát, còn các cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức hoặc ưu đãi hoàn lại không có quyền đề cử người vào HĐQT và Ban kiểm soát.
Quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, nghị quyết và quyết định của Hội đồng quản trị
Trường hợp nghị quyết của ĐHĐCĐ có thủ tục, trình tự triệu tập và tiến hành cuộc họp, nội dung nghị quyết vi phạm quy định pháp luật hoặc điều lệ công ty, thì cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại điều lệ có quyền yêu cầu hủy nghị quyết của ĐHĐCĐ trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được nghị quyết hoặc biên bản họp hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến ĐHĐCĐ nếu có các căn cứ cho rằng: (i) Trình tự, thủ tục triệu tập họp và ra quyết định của ĐHĐCĐ vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 và điều lệ công ty, trừ trường hợp nghị quyết của ĐHĐCĐ được thông qua bằng 100% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; (ii) Nội dung nghị quyết vi phạm pháp luật hoặc điều lệ công ty.
Đối với trường hợp nghị quyết, quyết định do HĐQT thông qua trái với quy định của pháp luật, nghị quyết của ĐHĐCĐ, điều lệ công ty gây thiệt hại cho công ty thì các thành viên tán thành thông qua nghị quyết, quyết định đó phải cùng liên đới chịu trách nhiệm cá nhân và phải đền bù thiệt hại cho công ty; thành viên phản đối thông qua nghị quyết, quyết định được miễn trừ trách nhiệm. Trường hợp này, cổ đông không phụ thuộc vào tỷ lệ cổ phần sở hữu có quyền yêu cầu Tòa án đình chỉ thực hiện hoặc hủy bỏ nghị quyết, quyết định của HĐQT.
Quyền khởi kiện người quản lý công ty
Cổ đông có thể nhân danh mình khởi kiện (khởi kiện trực tiếp) khi quyền lợi của mình trực tiếp bị xâm hại hoặc nhân danh công ty khởi kiện (khởi kiện phái sinh) những người quản lý. Quyền khởi kiện của cổ đông đối với người quản lý là một trong những quyền quan trọng và cấu thành lên cơ chế bảo vệ cổ đông, đặc biệt là các cổ đông thiểu số. Tuy vậy, đây không phải là quyền đương nhiên, cổ đông phải đáp ứng các điều kiện, đó là:
- Về tỷ lệ cổ phần sở hữu: Cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 01% tổng số cổ phần phổ thông có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm liên đới đối với các thành viên HĐQT, Giám đốc/Tổng giám đốc.
- Cơ sở phát sinh quyền khởi kiện người quản lý: Khi có cơ sở cho rằng người quản lý có hành vi vi phạm như: (i) Vi phạm trách nhiệm theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020; (ii) Không thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ được giao; không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời nghị quyết của HĐQT; (iii) Thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao trái với quy định của pháp luật, điều lệ công ty hoặc nghị quyết của ĐHĐCĐ; (iv) Sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ cho lợi ích của tổ chức, cá nhân khác; (v) Sử dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác; (vi) Các trường hợp khác.
Nguồn: https://tapchitoaan.vn/ban-ve-cac-quyen-khong-mang-tinh-kinh-te-cua-co-dong7466.html
Bài viết liên quan
- Pháp luật về chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần
- Lưu ý giúp hạn chế rủi ro pháp lý khi mua chung cư đang xây
- Quy định về quảng cáo dịch vụ pháp lý của Luật sư
- Trách nhiệm kê khai, nộp thuế của chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử
- Hoàn thiện các quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ về bảo hộ chỉ dẫn địa lý đáp ứng yêu cẩu của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Liên minh Châu Âu (EVFTA)
- Quyền sử dụng tự do quyền tác giả trong môi trường giáo dục số
- Những nội dung chưa phù hợp trong quy định của pháp luật hiện hành về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
- Kiểm soát giao dịch có khả năng tư lợi trong công ty